Xem nhanh
Nhắc đến đặc sản của Nam Định thì không thể không nhắc tới “Bánh nhãn Hải Hậu”. Ăn một lần đảm bảo bạn sẽ mê ngay đấy! Ôi nó giòn tan trong miệng, vị thơm của trứng, dẻo của gạo nếp, ngọt nhẹ của đường trắng mà đậm đà vị quê hương.
Vì sao được gọi là bánh nhãn?
Không rõ xuất hiện từ bao giờ, nhưng hiện nay bánh nhãn Hải Hậu được làm phổ biến tại các hộ gia đình ở thị trấn Yên Định (Hải Hậu) và một vài hộ ở các xã xung quanh.
Mình cứ nghĩ bánh nhãn là bánh được làm từ quả nhãn cơ nhưng khi tìm hiểu ra thì mới biết là không phải các bạn ạ. Bánh mang tên loài quả, nhưng không phải làm từ trái cây, đơn giản, bánh khi làm ra trông xinh xắn, vàng ươm như những quả nhãn.
Hơn nữa, xưa kia, bánh nhãn được coi là một món ăn cao quý và có chất lượng cao nên nó được gọi tên giống như loại quả quý thời đó – quả nhãn – dùng để tiến vua.
Bánh nhãn được người trong Nam, ngoài Bắc yêu thích vì sự giòn ngọt mát của thứ bánh thoạt trông đã thấy hấp dẫn.
Hiện nay sản phẩm đã có mặt tại hầu hết các tỉnh thành phố như: Hà Nội, Hải Phòng, Hưng Yên… và cả trong Tp. Hồ Chí Minh.
Cách làm bánh
Bánh nhãn có được vị ngon đặc trưng hay không không chỉ phụ thuộc vào việc chọn nguyên liệu sao cho chất lượng mà còn nằm ở sự điêu luyện, cẩn thận và kinh nghiệm của người làm bánh. Bánh Nhãn nhìn tuy đơn giản nhưng lại không được làm ẩu, làm cho qua mà cần sự chỉn chu.
Bánh được làm từ những nguyên liệu thân thuộc như bột gạo nếp, trứng gà, đường trắng, mỡ lợn sạch…Gạo nếp và trứng gà là 2 nguyên liệu chính làm bánh nhãn nên cần chọn loại ngon, lấy từ cơ sở uy tín.
Để làm ra loại bánh thơm ngon, giòn tan, người làm chuẩn bị kỹ lưỡng từ giai đoạn chuẩn bị nguyên liệu đến vò bột, rán bánh, tẩm đường. Gạo phải chọn nếp bắc (nếp cái hoa vàng), hạt đều, trắng, không lẫn thì bánh thơm, bùi hơn.
Tiếp đó, người làm cần sàng gạo để loại bỏ sạn, những hạt sâu… sau đó xay thành bột mịn, đánh đều tay với trứng gà. Bột đạt chuẩn phải mịn, mềm và không dính tay.
Độ ngon, giòn, nở của bánh phụ thuộc vào tỷ lệ bột và trứng bởi bột bánh không thêm bất kỳ chất phụ gia nào nên nếu quá nhiều bột hoặc trứng, bánh sẽ không ngon, giòn, bị phồng rộp.
Sau khi nhào xong, bột được chia nhỏ, vo tròn thành những viên bằng đầu ngón tay sau đó rán nhỏ lửa trong chảo lớn ngập mỡ. Bánh bắt đầu ngả vàng, đủ độ phồng cần vớt ra, để ráo mỡ.
Tiếp đến là công đoạn thắng đường – bước quan trọng quyết định độ ngon, giòn của bánh nhãn. Khi đường trắng được nấu chảy, người dân sẽ khéo léo đảo đều bánh để đường ngấm cả trong mà ngoài, tạo “lớp áo” trắng mịn nhưng không quá dày. Lúc này bánh có vị thơm của trứng, dẻo của gạo nếp, ngọt nhẹ của đường trắng mà lại giòn tan trong miệng.
Các loại bánh nhãn Hải Hậu và cách nhận biết
Bánh nhãn Hải Hậu thơm lừng mùi trứng, xốp vừa phải chứ không phải phồng to rỗng ruột như bánh nhãn ở các nơi khác.
Hiện nay rất nhiều xã trên địa bàn huyện đã sản xuất. Nhưng có lẽ, ở Khu 6 Thị trấn Yên Định vẫn còn giữ được hương vị truyền thống của bánh.
Phụ thuộc vào loại trứng gà và hàm lượng đường, bánh nhãn Hải Hậu có 2 loại.
Loại 1: Được làm từ trứng gà được nuôi bằng phương pháp công nghiệp. Bánh sẽ nhỏ và dòn hơn, và được sản xuất khá nhiều bởi ăn không bị đầy bụng.
Loại 2: Được làm bằng trứng gà ta nuôi bằng thóc. Bánh nhãn có kích thước to, mùi thơm, bùi hơn các loại khác và giá thành cũng cao hơn.
Cách thưởng thức bánh nhãn
Bánh nhãn có thể được ăn riêng, nhưng thưởng thức bánh nhãn với ấm trà mạn nóng hổi chúng ta mới cảm nhận hết vị ngon của thứ quà quê này.
Những chiếc bánh nhãn nhỏ nhỏ xinh xinh và ánh lên những màng đường mỏng bọc bên ngoài thật hấp dẫn. Khi ăn người thưởng thức sẽ cảm nhận được miếng bánh giòn rụm cộng thêm vị ngọt thanh vô cùng kích thích vị giác.