Cốm làng Vòng – nồng nàn hương vị mùa thu Hà Nội

Đặc Sản Nam Định
Đặc Sản Nam Định
Cốm làng Vòng – nồng nàn hương vị mùa thu Hà Nội
Loading
/

Cốm làng Vòng là một đặc sản ẩm thực của Việt Nam. Đây là một sản phẩm đặc trưng của làng Vòng ngày trước có tên là thôn Hậu, thuộc xã Dịch Vọng, huyện Từ Liêm; nay thuộc phường Dịch Vọng hậu, quận Cầu Giấy, Hà Nội.

Cốm làng Vòng – thức quà tinh túy của thu Hà Nội

Nguồn gốc cốm làng vòng

Hà Nội mùa thu là những gánh cốm nhịp nhàng trên vai các bà, các mẹ trên khắp nẻo đường, là hương vị dân dã như tĩnh lại giữa lòng thành phố nhộn nhịp. Nhắc đến cốm, người ta thường nhớ ngay đến một ngôi làng nhỏ ở quận Cầu Giấy với truyền thống làm cốm bao năm từ thời xa xưa, cốm làng Vòng, thứ quà quê giản dị mà lại đi vào tuổi thơ, lớn lên cùng bao lớp người con đất Tràng An.

Cốm Làng Vòng

Hương thơm của cốm, mùi thơm của lá sen, vị ngọt của lúa nếp non phơi khô. Những hạt cốm làng Vòng luôn mang lại sự thơm mát đến nhẹ nhàng trong những buổi chiều thu trên phố phường Hà Nội. Vào cuối thu, khi những giọt sương giăng tràn khắp lối, kéo theo cái lạnh se sẽ phả vào trong từng trận gió mùa, những chiếc lá sen đã dần chuyển già coong, kết đọng cái hương thơm tinh túy nhất của đất trời, cốm mùa thu bắt đầu theo chân những gánh hàng rong len vào từng ngõ hẻm.

Cốm làng Vòng Hà Nội được làm từ nếp cái hoa vàng, loại nếp hạt tròn căng, bóng, mẩy. Mỗi năm lại có hai vụ nhưng có lẽ ngon nhất phải là khoảng thời gian từ tháng 7 đến tháng 10, khi tiết trời vào thu. Cách thức làm cốm thì có lẽ ở vùng quê nào cũng biết, nhưng để có được hạt cốm vừa dẻo vừa thơm ngon thì chắc chỉ có làng Vòng mới có được.

Xem thêm: 10 địa chỉ bán cốm Hà Nội ngon trứ danh, giá hợp lý

Quy trình làm cốm

Lúa nếp cái gặt về, tuốt lấy hạt, sàng bỏ những cọng rơm, đãi qua nước, chọn lấy những hạt mẩy rồi đổ vào chảo rang bằng gang đúc. Để giữ được nhiệt, bếp lò rang cốm phải đắp bằng xỉ than có bề dày 15cm trên miệng, 40cm dưới chân, nhưng không đốt bằng than (nhiệt lượng quá cao) mà phải dùng củi (dễ điều chỉnh lửa).

Lúc đầu rang vừa lửa, khi hạt thóc tái trắng thì bớt lửa. Hạt thóc rang phải đảo liên tục, sao cho nóng đều. Rang 30 phút thì xem thử, mỗi lần thử bốc lấy 5 hạt đặt lên một miếng gỗ, lấy ngón tay cái miết mạnh lên từng hạt thóc, nếu thấy “2 quằn 3 róc” – tức 2 hạt chưa róc vỏ nhưng quằn lại, 3 hạt róc vỏ nhưng không quằn – là được.

Quy trình làm cốm làng vòng

Thóc rang xong, để nguội, cho vào cối giã, mỗi mẻ giã khoảng 5 kg. Giã mươi phút, thấy có trấu thì xúc ra, sảy trấu đi, lại giã, tới 7 lần, mỗi lần phải tùy theo cốm khô hay ướt mà có biện pháp xử lý. Lần giã thứ 5 phải phân cốm ra làm 3 loại: cốm rón, cốm non và cốm gốc và giã riêng từng loại trong hai lần cuối.

Cốm thành phẩm được gói thành hai lớp lá. Lớp trong là lá ráy xanh và mát giữ cho cốm khỏi khô và không phai nhạt màu xanh ngọc thạch quý giá; Lớp ngoài là lá sen có hương thơm thoang thoảng, thanh cao.

Thời gian ăn cốm ngon

Vụ cốm mùa thu kéo dài tới gần 3 tháng, bắt đầu từ mồng 1 tháng 7 âm lịch trở đi. Muốn ăn cốm ngon phải đợi đến vụ mùa, bắt đầu từ tháng bảy đến tháng mười. Khi ấy là vào mùa thu, mùa của đất trời Hà Nội. Độ ngon ngọt thơm mềm và xanh màu tự nhiên của cốm phụ thuộc vào thời điểm đầu, giữa, cuối vụ. Đến cuối tháng, cốm mộc là nếp cuối màu hạt to và cứng thường để rang thành cốm khô hay gia giảm, pha chế ăn tạm đợi mùa sau. Cốm mộc cũng phải có màu xanh của mạ già pha ánh vàng mới đúng nguyên chất, còn cốm đã bị hồ qua trông xanh tươi mát mắt nhưng chất lượng pha đắng chẳng còn vị cốm thật. Cốm vòng ăn tươi thì ngon tuyệt còn mang đi xa cũng vẫn có thể đảm bảo mùi vị chất lượng trong vài ngày nếu như bọc kỹ bằng cả lá ráy và lá sen.

Đặc sản cốm làng vòng

Cách thức bảo quản

Cốm thành phẩm được gói thành hai lớp lá sen. Lớp trong là lá ráy xanh và mát giữ cho cốm khỏi khô và không phai nhạt màu xanh ngọc thạch quý giá. Lớp ngoài là lá sen có hương thoang thoảng, thanh cao. Ngoài ra, cốm muốn để lâu ăn dần, có thể bảo quản ở nhiệt độ dưới 10 độ C, có thể sử dụng ngăn làm đá của tủ lạnh để bảo quản, thời gian bảo quản không giới hạn. Cốm từ ngăn đá, đóng băng, mang ra ngoài, phơi trước quạt gió để rã đông 15 phút sẽ trở lại trạng thái tươi, mềm và dẹo nhưng lức mới làm.

Cốm làng vòng tươi

Các món ăn từ Cốm

Cốm làng Vòng tươi ăn ngay, hoặc ăn kèm với chuối, bên ấm trà ngon có lẽ là thanh tao nhất. Song, Cốm còn có thể làm nguyên liệu để chế biết rất nhiều món ăn như bánh cốm, xôi cốm, chè cốm… Trong đó, bánh cốm là phổ biến nhất, bánh cốm ngon phải được làm từ cốm của người làng Vòng.

Chảy nước miếng với 7 món ngon dân dã từ cốm mùa thu Hà Nội
5/5 - (2 bình chọn)